Chim tìm tổ. Người tìm tông.

Hải Ninh   

        

Dân Quyền Online

 

 

 

Con người ai cũng có thân xác, đó là cơ sở vật chất để sự sống tồn tại. Thân xác đó không thể tự ta mà có, nó có là do cha mẹ di truyền, đến lượt ta, ta lại trao truyền sự sống cho con, thành ra sự sống là một dòng tồn tục. Khi ta sống là cha mẹ ta đang sống. Khi ta chết ta vẫn còn sống nơi con ta, cháu ta.

Lễ rước bánh chưng tại Ðền Hùng.

Sinh huyết chảy mãi không ngừng từ vô thuỷ đến vô chung. Trân trọng sự sống, bảo tồn thân xác là bổn phận, là nhiệm vụ của con người vì thân xác đó không phải của riêng ta. Thân xác đó là của người trước, thân xác đó là của người sau. Thân xác đó cùng tồn tại với càn khôn, biến dịch cùng vũ trụ. Thế nên sống là tri ân. Sống là phải biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã cho ta sự sống. Đạo thờ cúng tổ tiên là đạo làm người. Người Việt Nam may mắn có chung một đạo, Đạo thờ cúng Ông Bà. Người Việt Nam còn may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân.

Ngày giỗ theo âm Hán là huý nhật hay kỵ nhật, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Theo tập quán lâu đời, dân Việt lấy ngày giỗ (ngày mất) làm trọng, cho nên ngày đó, ngoài việc thăm phần mộ, tuỳ gia cảnh và tuỳ vị trí người đã khuất mà cúng giỗ. Ðây cũng là dịp gặp mặt  người thân trong gia đình trong dòng họ, họp mặt để tưởng nhớ người đã khuất và bàn việc người sống giữ gìn gia phong. Việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục trong đời sống văn hoá hàng ngàn năm nay của người Việt ta.

Truyền thuyết mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm người con trong một bọc, tạo nên khởi tổ giống nòi người Việt và khởi nguồn của nước Việt đã thấm sâu vào dòng máu mỗi người, trở nên thân thuộc đến mức từ hàng trăm năm trước ngày 10/3 Âm lịch hàng năm được coi như ngày « Quốc giỗ » của Việt Nam, một ngày mà tất cả người dân dù quần tụ trong lòng đất Việt hay cách xa quê hương cũng luôn hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, coi đó như một hình thức giữ gìn truyền thống, nề nếp trong một gia đình lớn.  

Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, vị trí của các Vua Hùng luôn được đề cao trong đời sống tinh thần của xã hội và đời sống tâm linh của người dân. Lê Thánh Tông - vị vua anh minh đã có công lớn trong việc chính thức hóa vị trí khởi đầu lịch sử dân tộc của các Vua Hùng. Thời Hồng Ðức nhà Lê, hội Ðền Hùng đã được "gia hạn quốc tế", việc tế lễ do triều đình chủ trì ủy quyền cho quan trấn thay mặt triều đình vào tế. Ðến nhà Nguyễn, thời Vua Minh Mạng, bài vị thờ Hùng Vương được rước vào kinh thành Huế, thờ ở miếu Lịch Ðại đế Vương, còn ở Ðền Hùng thì cấp sắc để phụng thờ. Thời vua Tự Ðức, năm thứ 27 (1874) lễ hội Ðền Hùng được khôi phục như cũ và Vua Tự Ðức cho xây dựng Lăng Hùng Vương ngay cạnh Ðền Thượng.

Ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ đã vượt ra ngoài biên giới, như một tiếng chim gọi bầy tha thiết và thiêng liêng:

..." Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm".

Nhìn ra thế giới, từ Jerusalem tới Vatican qua Thánh địa Mecca rồi đất Phật Ấn Độ hay Tây Tạng huyền bí, không phải đất nước nào, dân tộc nào cũng có được một ngày lễ thiêng liêng, thành kính, trang trọng nhưng lại rất tự nhiên và gần gũi đến như vậy. Vì lẽ đó, những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ này khiến tất cả những người con đất Việt đều tự hào, coi ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trước hết là ý nghĩa về nguồn cội dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn".

Người Việt hải ngoại, hơn ai hết, thấu hiểu được cảm giác thèm muốn được hít thở không khí quê nhà, được nghe và nói thứ ngôn ngữ của quê hương và có lẽ cả một thứ cảm giác mơ hồ nhưng ám ảnh về con cháu, những thế hệ sau mình có thể sẽ quên đi nguồn gốc tổ tiên. Với chúng ta, tất cả các ngày Lễ dân tộc ở nước ngoài còn quan trọng hơn khi còn ở quê nhà bởi đây là dịp nối liền quá khứ với hiện tại nhưng không quên tương lai. Trong những dịp như thế này, thân bằng quyến thuộc mới có cơ hội nhắc nhở nhau nhớ về cội nguồn, ôn lại lịch sử và tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, của ông bà tổ tiên khi giải thích cho con cháu biết tại sao phải lễ lạy trước bàn thờ đèn hương nghi ngút.

Không phải ai cũng ngộ ra và không phải ai cũng muốn nhắc đến nhưng như một chân lý đã tồn tại từ thời khởi thủy của đất Việt, những người con đất Việt đều có chung dòng máu Việt và tựu chung lại là con em một nhà.

Cây có gốc, Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.

 


________________________________________________________________________

Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ: 2800 N. Classen BLVD Suite 102 Oklahoma City, OK 73106
Điện thoại (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558