Phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Vũ Dũng

      

Dân Quyền Online

 

 

 

         

L.T.S. Trong vòng hai mươi năm qua, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc về kinh tế, ngoại giao và quân sự.  Sư lớn mạnh của Trung Quốc một mặt biến Trung Quốc trở thành một “partner” kinh tế của Hoa Kỳ, Liên Âu và Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng là mối quan tâm của thế giới.

Đối với thế giới, Trung Quốc là một thị trường khổng lồ với 1.5 tỷ dân, chiếm 1/4 dân số trên thế giới nhưng cũng là một đối thủ kinh tế trên thương trường.  Riêng đối với Việt Nam, Trung Quốc không những là một đối thủ kinh tế mà còn là mối đe doạ về về lãnh thổ và lãnh hải.

Mặc dù quan hệ Việt-Trung có những lúc lên xuống như một rolling coaster, nhưng trong lịch sữ cận đại quan hệ giữa hai nước Việt-Trung trong thời gian qua được ghi dấu bằng hai cuộc chiến tự vệ của dân tộc chúng ta.  Thứ nhất là cuộc chiến Hoàng Sa giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Việt Nam Cộng Hoà năm 1974, và thứ hai là cuộc chiến biên giới năm 1979 giữa Trung Quốc và Quân Đội Nhân Dân Việt Nam.

Gần đây, Trung Quốc không ngần ngại thành lập huyện Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải Việt Nam trước những phản đối quyết liệt của nhân dân trong và ngoài nước cũng như chính quyền Việt Nam.

Trước tham vọng của Trung Quốc không một ngưòi Việt nào là không có mối âu lo cho tiền đồ của tổ quốc.  Và với vai trò của một nhà báo ở hải ngoại chúng tôi lại càng mong muốn có cơ hội được trực tiếp tiếp xúc với những nhân vật hữu trách tại Việt Nam để tìm sự thật.

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam cùng phái đoàn của dân biểu Liên Bang Kenny Merchant và Viện trưởng trường Đại học Southern Nazarene University vào cuối năm 2007. (như đã loan tin trên báo Dân Quyền trước đây). Chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ một số quan chức trong Bộ Ngoại Giao Việt Nam trong tiệc tiếp tân phái đoàn. Trong thời gian ấy, chúng tôi biết được giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về vấn đề biên giới, mà người trực tiếp chịu trách nhiệm là Thứ Trưởng Ngoại giao Vũ Dũng. Cho nên, chúng tôi có yêu cầu và mong muốn được phỏng vấn ông khi các cột mốc được hoàn tất.

 

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt và Dân biểu Kenny Marchant.

Ảnh chụp tại Phi trường Gia Lâm, Hà Nội

 

Ông bà tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Biên Tập báo Dân Quyền;

 ảnh chụp tại biên giới Việt  - Trung

Đến nay, khi biết được hai bên đã hoàn thành cột mốc biên giới Việt-Trung. Chúng tôi có liên lạc một lần nữa với Vụ Báo Chí Bộ Ngoại Giao và nhắc lại lời yêu cầu trước đây. Sau thời gian chờ đợi, Vụ báo chí của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã thông báo cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Vũ Dũng, Trưởng đoàn đàm phán về biên giới Việt-Trung đã đồng ý để chúng tôi phỏng vấn.

Vẫn biết rằng, bài phỏng vấn nầy là một dấu ấn quan trọng trong bối cảnh hiện nay.  Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng vì tính chất quan trọng của hiệp ước biên giới đối với sinh mệnh dân tộc, và rằng với một tấm lòng luôn luôn trăn trở về sự sống còn của đất nước cùng lòng kiêu hãnh và niềm tự hào về một dân tộc đã từng đánh bại tất cả ngoại xâm bằng gậy tầm vông và tinh thần Phù Đổng. Hiện thực hơn, với tư cách là nhà báo, người đem thông tin đến với độc giả, chúng tôi muốn tìm đến sự thật và muốn biết được sự thật. Chúng tôi hy vọng rằng quan điểm của thứ trưởng Vũ Dũng qua bài phỏng vấn trên báo Dân Quyền sẽ trở thành chứng tích lịch sử trong quan hệ Việt-Trung để người đọc trong và ngoài nước hiện nay, cũng như thế hệ con cháu mai sau xử dụng như là một tài liệu tham khảo.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt

Tổng biên tập

 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Biên Tập báo Dân Quyền và Thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Vũ Dũng

 

NỘI DUNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN TRỰC TIẾP CỦA THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM VŨ DŨNG

Tổng biên tập báo Dân Quyền, tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoạt (NHH): Thưa Thứ trưởng, là một nhà báo hải ngoại nói riêng và còn là người Việt Nam nói chung, luôn luôn quan tâm về vấn lãnh thổ mà cha ông chúng ta đã hy sinh máu xương để bảo tồn. Tôi hiều được rằng từ trong mỗi trái tim của người Viêt Nam cho dù sống trong bất kỳ không gian nào đều hướng nhìn về tổ quốc. Do đó, trước hết tôi muốn cám ơn Thứ Trưởng đã tiếp tôi để trao đổi một số câu hỏi liên quan đến vấn đề phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm mục đích để cộng đồng hải ngoại có một cái nhìn cụ thể, sâu sắc hơn về vấn đề này. Tôi cũng được biết đây là lần đầu tiên kể từ thời vua Hùng dựng nước đến nay, chúng ta mới có một thỏa thuận chính thức về biên giới với Trung Quốc như hiện nay do nhà nước Việt Nam ký kết với Trung Quốc. (thay vì thực dân Pháp ký với Mãn Thanh trước kia). Cá nhân tôi và rất nhiều người Việt ở nước ngoài mong muốn Thứ trưởng cho biết trong tiến trình đàm phán và ký kết chúng ta thắng lợi ở đâu hay thua thiệt ở mức độ nào? Đây là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử mà dân tộc ta lần đầu tiên có được quyền tự quyết, không bị lệ thuộc bởi ngoại bang. Do đó, khi lãnh thổ đã được xác định thì toàn dân Việt Nam không thể chấp nhận có việc tranh chấp biên giới hay xâm phạm lãnh thổ sau nầy, cho dù chúng ta phải hy sinh tất cả..

Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Vũ Dũng: (VD) Dạ vâng, cám ơn tiến sĩ. Quá trình đàm phán đi đến ký kết, phân giới cắm mốc là một giai đoạn nỗ lực, kéo dài, bền bỉ. Tất cả nội dung chúng tôi sẽ chuẩn bị công bố.

Trước khi đi đến Hiệp ước phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1999, hai bên đã trải qua quá trình đàm phán kéo dài, bắt đầu từ năm 1974. Nếu tính đến thời điểm hoàn tất việc phân giới, cắm mốc, quá trình này đã trải qua 34 năm. Với tư cách là người trực tiếp làm việc này, tôi sẵn sàng trao đổi những thông tin liên quan vấn đề này. Do đây là vấn đề nhạy cảm, nên trong quá trình đàm phán, chưa thể công khai toàn bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng tôi có quyền tự hào về những kết quả đạt được sau bao năm nỗ lực. Và chúng tôi cũng đang chuẩn bị công bố công khai những thông tin liên quan vấn đề này.

Trước hết, tôi xin nêu 3 điểm liên quan vấn đề phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 Thứ nhất là về đặc điểm, lịch sử đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đặc điểm thứ nhất là đường biên giới của ta với TQ sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, đến năm 938 với chiến thắng Ngô Quyền mới dần dần hình thành, quá trình hình thành rất tự nhiên, qua nhiều thế hệ. Do đó, ở vùng biên giới, tình trạng quá cảnh, quá cư là rất phổ biến. So với đường biên giới pháp lý cho đến khi hai công ước Pháp – Thanh 1887, 1895, tình trạng người bên này canh tác, ở, mai táng ông bà sang bên kia là khá phổ biến. Đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp cho chúng tôi trong quá trình phân giới cắm mốc. Đặc điểm thứ hai là địa hình hiểm trở, trong 1406 km, có tới 2/3 cao trên 1000m, có những nơi 2000m và thậm chí 3000 m, gần 400 km là sông suối, nơi dễ tác động bởi thiên nhiên nhất. So với bản đồ, so với lịch sử ghi lại, đó là đường biên giới dễ bị thay đổi, tác động bởi biến đổi thời tiết, thiên nhiên. Có rất nhiều cột mốc, chúng tôi phải đi tới 2-3 ngày mới tới nơi cắm mốc, thậm chí có những cột mốc phải đi mất tới 7 ngày. Thứ ba phân định biên giới luôn là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là giữa Việt Nam và Trung Quốc, chỉ một cồn bãi, một hòn đất có thể không có ý nghĩa về kinh tế lớn, nhưng lại là chứng tích của những cuộc xô xát.

 

Bản đồ hoạch định tỷ lệ 1/500.000 (đoạn V biên giới tỉnh Lai Châu - Quá sơ lược)

 

NHH: Trong lịch sử Việt Nam có đề cập đến cụm từ “từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”, ai là người đặt ra Ải Nam Quan?

VD: Trong Đại Nam Nhất Thống chí và các tài liệu sử sách còn lưu lại, quá trình xây dựng và tu bổ Ải Nam Quan đều do các triều đại phong kiến Trung Quốc, đầu tiên là nhà Minh, sau đó nhà Thanh tu bổ lại. Trước đây, ông cha ta, xây dựng một công trình nhỏ ở phía Nam Ải Nam Quan, gọi là Ngưỡng Đức Đài, để các sứ thần của Việt Nam dừng chân nghỉ, trước khi sang Ải Nam Quan. Đến ngày nay, vị trí của Ải Nam Quan vẫn như vậy. Còn chỗ bà con vẫn hay nói đường biên giới bị xê dịch về phía ta, điều này giải quyết giữa Pháp và Nhà Thanh bằng 2 Công ước 1887 và 1895. Nếu nhìn vào những bức ảnh cũ (chụp năm 1903), phía Nam có những nhà của Việt Nam xây, gọi là Ngưỡng Đức Đài, cách Ải Nam Quan khoảng 30-50 m. Đến khi Công ước Pháp – Thanh được ký kết, đường biên giới bị dịch về phía Việt Nam. Nhưng đây là vấn đề của Pháp ký với nhà Thanh Như vậy mốc biên giới này hoàn toàn là do Pháp ký với nhà Thanh, chúng ta có đầy đủ hồ sơ về việc này. Đường biên giới lúc đó gọi là mốc 18, chỉ được ghi lại trên bản đồ là nằm ở phía Nam Ải Nam Quan khoảng 100 m.

 

Ảnh Ải Nam Quan được chụp từ thời Pháp thuộc

Trích Đại Nam Nhất Thống Chí (cuốn sử tốt nhất của Việt Nam): “Đại Nam Quan phía Đông là một dải núi đất, phía Tây là một dải núi đá, đều dựa vào chân vách núi làm tường, gồm 119 triệu cửa quan đặt ở quãng giữa, có biển đề 3 chữ “Trấn Nam Quan”, dựng từ năm Ung Chính thứ 6 triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ thì mới mở”. Rất nhiều cuốn sử khác đều ghi như vậy.

- Trở lại đặc điểm của biên giới giữa ta và Trung Quốc, do chiến tranh giữa hai bên nên bất kỳ vị trí nào cũng trở nên rất đặc biệt và nhạy cảm. Điều này giải thích tại sao sau khi ký Hiệp định, vẽ bản đồ, phải mất 8 năm mới hoàn thành việc phân giới, cắm mốc.

Điểm thứ hai, công ước Pháp – Thanh khi đó dựng đường biên giới thế nào. Đàm phán từ 1885 đến năm 1887, sau đó ký bổ sung vào 1895. Đường biên giới 1400km cắm 314 mốc, nhưng các cột mốc đều không ghi lại tọa đồ, mà chỉ ghi lại cắm ở đâu đó (xóm, làng nào). Đó là đặc điểm xét về pháp lý là khó khăn cho hai bên trong xác định chính xác đường biên giới. Công ước này ghi lại: “Đường biên giới giữa Trung Hoa và Pháp, được thể hiện trên bản đồ”. Trong khi bản đồ được vẽ làm nhiều mảnh rất khác nhau. Trải qua trên 100 năm, lũ lụt, thiên tai, thay đổi khí hậu, địa hình cũng làm mất 18 cột mốc, hỏng hơn 70 mốc. Cột mốc quá ít, địa hình biến đổi, nên không đủ cơ sở xác định đường biên giới, xét về cơ sở pháp lý, các cột mốc này không được ghi lại bằng tọa độ. Có những cột mốc cách nhau rất xa (ở Lai Châu có cột mốc cách nhau tới 40 km).

 

Mốc 44 cũ thuộc huyện Lộc Bình, Lạng Sơn (Cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm), Chính phủ Việt Nam dựng chòi để bảo vệ mốc này từ năm 1993 trong điều kiện hết sức khó khăn

 

NHH: Trong tiến trình tham gia trực tiếp đàm phán, Thứ trưởng chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn, xin ông cho biết đâu là khó khăn lớn nhất?

VD: Năm 2008, với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán, chúng tôi đàm phám 11 vòng, vòng ngắn nhất là 9 ngày, vòng dài nhất là 23 ngày. Phiên họp dài nhất là 31 tiếng liên tục, ăn 3 bữa cơm hộp tại vòng đàm phán.

NHH: Trung Quốc có cộng tác hay gây sức ép với VN không?

VD: Trung Quốc cũng như ta muốn đạt phương án tốt nhất. Nhưng chúng tôi cũng phải phấn đấu đạt mức cao nhất. Chính điều này khiến cho quá trình sau khi đàm phán, ký kết được Hiệp ước rồi mà để đi đến phân giới, cắm mốc phải kéo dài tới 8 năm.

NHH: Khi đến trường hợp căng thẳng, làm sao để mình giải quyết căng thẳng, đồng thời đảm bảo lợi ích?

VD: Chúng tôi có hai vấn đề phải làm đồng thời. Trước hết, nguyên tắc không thay đổi đó là chủ quyền lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng liêng. Nếu như chỗ nào đó, vị trí nào đó là của Việt Nam, chúng ta có cơ sở pháp lý khẳng định đó là của Việt Nam, không ai có quyền, tôi không có quyền, nhân nhượng cho Trung Quốc. Về vấn đề biên giới lãnh thổ, chúng tôi hết sức kiên trì, hết sức thận trọng. Có những khu vực rộng khoảng 50 ha (khoảng nửa km) mà phải đàm phán trong 6 vòng liên tục. Yêu cầu thứ hai là phải duy trì được không khí đối thoại với Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn, thậm chí rất lớn, họ gây sức ép với nhiều nước lớn khác, trong khi chúng ta là một nước ngay bên cạnh Trung Quốc. Phải làm sao thúc đẩy được quan hệ mà phải giải quyết được vấn đề này, làm sao để các cuộc đàm phán không bị đổ vỡ. Đây là hai việc rất khó, thậm chí là mâu thuẫn, làm sao vừa giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, vừa thúc đẩy, tăng cường được quan hệ với TQ.

Tư tưởng thứ nhất là cái gì phù hợp với đường lối chính sách đối ngoại, phù hợp với lợi ích của hai nước, trong đó có VN, chúng ta phải thúc đẩy hợp tác. Cái gì mang tính nguyên tắc về chủ quyền lãnh thổ, thái độ của chúng tôi là rất kiên quyết.

NHH: Trong quá trình đàm phán, ta được, mất gì? Phía ta được lợi nhiều hơn hay mất nhiều hơn?

VD: Trước hết, tôi xin giải thích rõ, những khu vực mà mình phải đàm phán là những khu vực chưa rõ ràng. Vì nếu đã rõ ràng là của Việt Nam, ta có đầy đủ cơ sở pháp lý, thì đàm phán có như thế nào, chúng tôi cũng khẳng định đó là của Việt Nam. Đến thời điểm này, 8 năm nhìn lại, kết quả phân giới cắm mốc là tương đối cân bằng, hai bên đều có thể chấp nhận được. Nếu như giải pháp chỉ ta chấp nhận được, Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý, ngược lại, ta cũng không thể chấp nhận. Nguyên tắc của chúng tôi là đường biên giới tốt nhất là đường biên giới là cả hai bên đều hài lòng. “Đường biên giới chỉ hình thành nếu được các bên liên quan chấp nhận”.

Việt Nam là một trong những nước giải quyết thành công vấn đề biên giới. Đặc điểm ta là có đường biên giới dài, có chỗ thế đất rất mỏng (Quảng Bình có 5 km). Biên giới của ta với Trung Quốc 1406 km, với Lào là 2067km, với Campuchia 1137km; bờ biển 3260 km, chưa tính đảo và các diện tích khác, sơ bộ tính biển đảo theo Công ước Luật biển, tổng  biên giới trên bộ và trên biển của ta là gần 10.000 km. Với một nước có tổng diện tích là 331.000 km2, tỉ lệ đường biên giới là lớn.

Chúng tôi cũng xin nói thêm một chút về Thác Bản Dốc. Bên ta có cả một bãi vô cùng lớn, trù phú và đẹp, bên Trung Quốc là một cái núi gần như dựng đứng. Phần thác cao, thác phụ là của mình, phần thác chính, nhưng là thác thấp nằm trên con sông biên giới, sông Quây Sơn (hoặc Quế Sơn). Trước khi, ký hiệp ước 1999, chúng tôi đã cử rất nhiều đoàn đi khắp thế giới để tìm các hồ sơ liên quan đến Thác Bản Dốc, vào tất cả các kho lưu trữ và tìm được một bản đồ tốt nhất về vị trí Thác Bản Dốc. Căn cứ theo bản đồ, đường biên giới đi theo trung tuyến của sông Quây Sơn (đúng như công ước Pháp – Thanh mô tả), khi đó, vẽ đường biên giới đi ở nhánh phía bắc của cồn Pò Tho, có diện tích khoảng 2,7 ha. Ngay bản đồ tốt nhất mà ta tìm được, thác này vẫn là thác chung. Tôi xin khẳng định ta không có bất kỳ tài liệu gì cho thấy thác Bản Dốc là của Việt Nam. Nói về luật pháp quốc tế, sông này là sông chung, thác này không thể là thác riêng được, không thể có nước nào chấp nhận.

 

Toàn cảnh Thác Bản Giốc

Vấn đề tranh chấp chỉ là cái cồn này. Khi xây dựng Hiệp ước 1999, chủ trương của ta là cố gắng đòi lại cồn Pò Tho nhưng không có tài liệu có giá trị, làm cơ sở pháp lý, khẳng định của Việt Nam. Như vậy, với tất cả cơ sở pháp lý của Việt Nam có được thì thác Bản Dốc là thác chung và cồn Pò Tho có thể là của Việt Nam nhưng ta không có đủ tài liệu pháp lý. Đến Hiệp ước 1999, hai bên đưa đường chủ trương là VN đòi đường biên giới đi phía bắc của Cồn, TQ thì đòi đường biên giới phía Nam. Theo luật pháp quốc tế, ở sông suối, đường biên giới phải đi ở trung tuyến dòng chảy chính. Dòng ở phía Nam rộng hơn khoảng 3 lần, thẳng hơn. Ta đo được trung tuyến nằm ở phía Nam gần như thuộc phía Trung Quốc. Cuối cùng, sau quá trình đàm phán, đường biên giới đi lên cồn Pò Thoong và từ cồn Pò Thoong đi ra điểm giữa của thác chính. Phần thuộc về Việt Nam nhiều hơn.

 

Cột mốc mới số 1148

NHH: Xin Thứ trưởng cho biết chủ trương và quan điểm của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên biển với các nước láng giềng trong đó có vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

VD: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như mọi quốc gia ven biển khác. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển của mình.  Mặt khác, đối với các vấn đề thực sự có tranh chấp ở biển Đông, Việt Nam chủ trương thông qua đàm phán hoà bình cùng các nước liên quan giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hành động gây phức tạp thêm tình hình, nghiêm chỉnh tuân thủ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) nhằm duy trì hoà bình ổn định ở khu vực. Việt Nam cũng đang hoàn tất báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa 200 hải lý để trình Liên hợp quốc vào tháng 5/2009 theo yêu cầu của Liên hợp quốc.

Nhằm mục tiêu xây dựng đường biên giới trên biển hoà bình, ổn định, hữu nghị với các nước láng giềng, Việt Nam đã đàm phán và ký kết một số Hiệp định về Vùng nước lịch sử với Campuchia (1982); Hiệp định phân định ranh giới biển với Thái Lan (1997); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (2000); Hiệp định phân định thềm lục địa với Campuchia (2003). Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy triển khai đàm phán phân định ranh giới biển với Campuchia, phân định vùng chống lấn thềm lục địa với Malaysia, Brunei…

NHH: Thứ trưởng có bình luận gì về văn bản mà cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký mà nhiều người cho rằng thừa nhận hải phận của Trung Quốc, làm mất một phần lãnh hải của Việt Nam?

VD: Thời điểm ông Phạm Văn Đồng viết thư trả lời ông Chu Ân Lai năm 1957, ta phải dựa vào Trung Quốc rất nhiều, kinh tế yếu kém, nhận thức về biên giới lãnh thổ còn chưa có nhiều. Về bối cảnh quốc tế, trước khi có Công ước về Luật biển quốc tế đầu tiên năm 1958, lãnh hải của tất cả các nước do các nước thực dân áp đặt chỉ tối đa có 3 hải lý. Riêng ở Việt Nam, Pháp có quy định vùng đánh cá 20 km, song lãnh hải cũng chỉ có 3 hải lý. Công ước đầu tiên về Luật biển quốc tế năm 1958 định quy định về lãnh hải 12 hải lý nhưng không thành, chỉ nói một câu là các quốc gia ven biển có lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, nhưng không quy định cụ thể. Năm 1957, TQ để bảo vệ lãnh hải, bờ biển do bế tắc đàm phán tại LHQ về Công ước về Luật biển quốc tế, TQ chủ động ra tuyên bố là có lãnh hải 12 hải lý. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ về tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Quốc về lãnh hải thời điểm đó, tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến việc ủng hộ chủ quyền 12 hải lý của Trung Quốc, chỉ ủng hộ tuyên bố của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải 12 hải lý.

NHH: Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về việc Trung Quốc công bố dự án thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng nước sâu ở biển Đông, tuyên bố khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng các “đảo không người” nhằm bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc?

VD: Lập trường của chúng ta trong vấn đề biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Đối với những gì thuộc chủ quyền và quyền lợi biển của ta thì chúng ta kiên quyết bảo vệ. Bất cứ hành động nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt nam hoặc gây tổn hại đến những lợi ích chính đáng của chúng ta trên biển đều không thể chấp nhận được. Chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục làm những gì thuộc quyền lợi chính đáng của ta trên biển. Đối với khu vực nào thực sự có tranh chấp thì chúng ta sẵn sàng hiệp thương hữu nghị với các bên liên quan để giải quyết trên cơ sở công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982. Nhằm duy trì hòa bình ổn định ở khu vực, các bên liên quan cần có thái độ kiềm chế không có những hành động gây phức tạp tình hình, tuân thủ nghiêm chỉnh Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

NHH: Là người chịu trách nhiệm trực tiếp tham gia đàm phán, Thứ trưởng nói gì với thế hệ con cháu chúng ta sau này?

VD: Những người đàm phán với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cao nhất trước tổ quốc, trước nhân dân, đã làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Và lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước độc lập, có chủ quyền, bình đẳng trên bình diện quốc tế, đã tự mình hoạch định biên giới bằng hệ thống mốc giới hiện đại, hoàn chỉnh. Và tôi tin rằng việc này mãi mãi không thế hệ con cháu nào của mình phải làm lại. Tổng cộng đường biên giới là 1406 km mà cắm 1971 cột mốc, trung bình 700 – 800 m/01 cột mốc, có lẽ đây là cột mốc mới nhất, hiện đại nhất, dày đặc nhất trên thế giới. Tất cả các cột mốc đều được quản lý bằng máy tính xác định rõ thời điểm xây dựng, tọa độ và các vấn đề liên quan.

NHH: Xin cảm ơn Thứ trưởng và chúc ông một năm mới sức khỏe và thành quả trong mọi công tác ở tương lai.

VD: Vâng, cảm ơn tiến sĩ. Tôi cũng chúc tiến sĩ cùng gia đình sức khỏe và thành đạt trong năm mới.

 

________________________________________________________________________

Dân Quyền thiết kế và giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.
Địa chỉ: 2800 N. Classen BLVD Suite 102 Oklahoma City, OK 73106
Điện thoại (405) 525-3881 Fax: (405) 692-8558